Bình Dương có tiêu chí di dời nhà máy ngoài KCN vào quý II/2024

Vừa qua, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ theo hướng ổn định việc làm cho người lao động và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Việc di dời nhà máy phải được tính toán kỹ để bảo đảm hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp.
Việc di dời nhà máy phải được tính toán kỹ để bảo đảm hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp.

Trước nỗi lo ảnh hưởng đến hoạt động khi hạn di dời "sát nút" của hơn 2.900 doanh nghiệp, gần đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án di dời, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Uỷ ban tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ theo hướng ổn định việc làm cho người lao động, sản xuất của doanh nghiệp. Không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ "chết yểu"

Theo Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN, CCN tỉnh Bình Dương”, sẽ có khoảng 2.900 doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Việc di dời bắt đầu từ năm 2024, thế nhưng đến nay tỉnh Bình Dương vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để xét chọn đơn vị chuyển đổi công năng, di dời. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp “ngủ không yên” vì không dám đầu tư máy móc, hay tuyển công nhân. Các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị với lãnh đạo tỉnh sớm có danh sách cụ thể để chuẩn bị tâm thế.

Bà Vũ Kiều Nữ, Chủ tịch Hội doanh nhân nữ tỉnh Bình Dương cho biết, di dời không chỉ là tháo gỡ nhà xưởng chuyển đến nơi mới mà cần phải có thời gian chuẩn bị chi phí, nhân lực. Trong khi hiện nay, doanh nghiệp đang "kiệt sức" vì di chứng từ Covid-19, vì chiến tranh và lạm phát nên buộc di dời ngay sẽ nguy cơ "chết yểu".

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ tỉnh Bình Dương - ông Nguyễn Tiến Thành, cách đây 10 năm, tỉnh Đồng Nai đã di dời cơ sở gốm sứ vào KCN với các chính sách hỗ trợ nhưng đã rơi rụng khoảng 60 - 70% doanh nghiệp. Cũng từ đó, gốm Đồng Nai từng nổi tiếng nay lại "im hơi". Nếu chủ trương di dời nhà máy ở Bình Dương không cẩn thận, không có bước đi phù hợp thì ngành nghề gốm sứ truyền thống sẽ đứng trước nguy cơ suy yếu.

Thông tin cụ thể lộ trình, chính sách hỗ trợ

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương, việc thực hiện đề án sẽ có lộ trình, tiến độ để doanh nghiệp chuẩn bị chứ không bắt buộc di dời ngay từ đầu năm 2024. Hiện Sở đang xây dựng và ban hành tiêu chí di dời, dự kiến hoàn thành trong quý 2/2024. Dự thảo chính sách hỗ trợ di dời cho doanh nghiệp sẽ trình Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024.

Đến năm 2025, dựa trên đăng ký của doanh nghiệp sẽ thí điểm di dời 10 - 20 đơn vị. Trong quá trình thực hiện sẽ xem xét, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp đã di dời.

Từ tháng 1/2025 đến 12/2027, tiếp tục tổ chức vận động doanh nghiệp, thông tin tuyên truyền về nội dung Đề án; triển khai việc chuyển đổi công năng, di dời doanh nghiệp tại Thành phố Thủ Dầu Một, Thành phố Tân Uyên, Thành phố Dĩ An, thị xã Bến Cát.

Từ tháng 1/2028 đến 12/2030, tiếp tục vận động các doanh nghiệp còn lại di dời, chuyển đổi công năng theo Đề án.

Bà Nguyễn Thanh Hà, PGĐ Sở Công Thương cho biết: "Tời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tham mưu Uỷ ban tỉnh tiếp xúc với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời có những tiêu chí đã ban hành, hoặc chính sách đã ban hành để doanh nghiệp được biết chuẩn bị".

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - ông Võ Văn Minh, di dời nhà máy ngoài khu vào KCN là chủ trương lớn để “biến” khu phía Nam tỉnh thành trung tâm thương mại dịch vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát cụ thể các đề xuất về chính sách hỗ trợ theo hướng ổn định việc làm cho người lao động, sản xuất của doanh nghiệp. Xem xét giá đất cho thuê nhằm khuyến khích doanh nghiệp di dời, chính sách nhà ở công nhân khi di dời; chính sách đào tạo nghề cho người lao động; chính sách miễn, giảm phí các thủ tục hành chính khi thực hiện di dời; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kế thừa quỹ đất đang có ở vị trí hiện tại để thực hiện theo quy hoạch.


Tin liên quan

Tin mới