Đà Lạt: 3 năm giải quyết 2.331 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất

Sau thời gian triển khai lập và thẩm định, vừa qua quy hoạch sử dụng đất đến 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của TP Đà Lạt đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông qua. Quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất vừa được duyệt là cơ sở để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất,…

Uỷ ban thành phố Đà Lạt vừa báo cáo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền UBND TP Đà Lạt.

Trong báo cáo, UBND TP Đà Lạt cho biết, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2022, Đà Lạt đã giải quyết 6.128 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Năm 2020, Đà Lạt đã giải quyết 2.922 hồ sơ; năm 2021 giải quyết 1.746 hồ sơ; năm 2022 giải quyết 1.460 hồ sơ.
Năm 2020, Đà Lạt đã giải quyết 2.922 hồ sơ; năm 2021 giải quyết 1.746 hồ sơ; năm 2022 giải quyết 1.460 hồ sơ.

UBND TP Đà Lạt cũng cho biết kết quả thực hiện chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2022, TP Đà Lạt đã giải quyết 2.331 hồ sơ với diện tích 339.387,29 m2.

Trong đó, năm 2019 chuyển qua năm 2020 có 17 hồ sơ; năm 2020 có 838 hồ sơ; năm 2021 có 715 hồ sơ; năm 2022 có 717 hồ sơ; năm 2022 chuyển sang năm 2023 có 10 hồ sơ.

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được thì việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho gia đình, cá nhân vẫn còn nhiều hạn chế.

Chẳng hạn, vì tình hình chung trên địa bàn TP Đà Lạt  có nhiều quy hoạch khác nhau, một số nơi quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác chưa có thống nhất; chưa có ranh mốc rõ ràng làm quá trình áp dụng, thực hiện có những khó khăn nhất định. Các loại bản đồ có tỷ lệ khác nhau cũng dẫn đến việc xác định ranh giới cụ thể có sai lệch.

Hơn nữa, công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận chưa được gắn liền với công tác cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai nên hồ sơ không thống nhất, khó thực hiện.

Việc khai thác các thông tin dữ liệu về đất đai để phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị chưa được liên thông dẫn đến bị động và không kịp thời; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm;…


Tin liên quan

Tin mới