Điều gì cần tháo gỡ cho thị trường bất động sản 2023?

Những ngày cuối năm 2022, thị trường bất động sản trở nên ảm đạm hơn lúc nào hết. Nguồn cung giảm, giao dịch cũng trở nên trầm lắng; lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ tăng cao khiến cho thị trường đầu tư khó khăn càng thêm khó khăn. Trước tình hình đó, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ các trở ngại.
Giá rao bán chung cư tại Hà Nội tăng 3-17% và tại thành phố Hồ Chí Minh tăng 3-7% so với cùng kỳ năm 2021
Giá rao bán chung cư tại Hà Nội tăng 3-17% và tại thành phố Hồ Chí Minh tăng 3-7% so với cùng kỳ năm 2021

Thị trường bất động sản 2022

Khi nhắc về thị trường bất động sản năm 2022, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia đã tóm tắt các giai đoạn về thị trường bất động sản 2022 như sau: Đầu năm “hưng phấn”, giữa và cuối năm trầm lắng. Nguồn cung và cầu đều giảm mạnh. Việc cấp phép, xin các dự án mới đều giảm.

Theo số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, kể từ năm 2018 đến nay, chính sách tín dụng cùng việc kiểm soát thị trường bất động sản đã khiến nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng. Nếu năm 2018, tổng nguồn cung căn hộ mới đưa ra thị trường đạt gần 180.000 sản phẩm thì sang năm 2019 giảm còn gần 110.000 sản phẩm. Năm 2020 là 90.000 sản phẩm và năm 2021 là hơn 50.000 sản phẩm. Nguồn cung bất động sản từ đầu năm 2022 đến nay cũng đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tỷ lệ hấp thụ trong quý 3 năm 2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm. Lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Một khu biệt thự tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside (quận Long Biên)
Một khu biệt thự tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside (quận Long Biên)

Theo báo cáo chỉ số giá bất động sản nhà ở của Savills Việt Nam công bố vào tháng 11/2022 thì chỉ số giá nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh là 130 điểm, tăng 1 điểm theo quý. Còn tại Hà Nội, chỉ số này tăng đến 8 điểm theo quý, tức 126,1 điểm và ghi nhận mức tăng trong 12 quý liên tiếp, cao hơn 21% so với mức đáy 104,1 điểm tại quý 3 năm 2019.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, thị trường đang có sự lệch pha cung - cầu, thiếu an toàn, thiếu ổn định do sự chồng chéo giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 cùng các văn bản dưới luật… Nhiều dự án vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý, đặc biệt là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng... nên nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, kéo giá nhà, đất, căn hộ tăng cao.

Giải pháp tháo gỡ các trở ngại

Dự báo về thị trường bất động sản năm 2023, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khả năng thị trường diễn biến theo hướng xấu nhiều hơn tốt thì giải pháp lúc này cho thị trường bất động sản là cần có những chính sách đặc thù hỗ trợ thì may ra thị trường bất động sản mới có diễn biến tích cực hơn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng cần sớm giải quyết các vấn đề về pháp lý; gỡ nút thắt vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; kiểm soát rủi ro hệ thống, liên thông giữa tài chính, bất động sản.

Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam thì việc hồi phục kinh tế và phát triển thị trường bất động sản năm 2023 cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, gồm giải ngân vốn đầu tư công, "bơm" tiền vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ, kích cầu… cho cộng đồng doanh nghiệp. “Việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm trễ là thiệt thòi cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản trong việc kết nối vùng, đô thị vệ tinh. Để phát triển các đại đô thị rất cần các dự án hạ tầng kết nối kinh tế vùng”.

Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thành lập tổ công tác để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp. Đây là quyết định kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn đang bủa vây, khơi thông những ách tắc trong triển khai các dự án bất động sản, tạo động lực thúc đẩy thị trường hồi phục.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính bày tỏ, thực tế hiện nay, pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai các dự án bất động sản. Những vướng mắc về pháp lý khi triển khai các dự án bất động sản chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thiếu thống nhất. Tuy nhiên, để gỡ điểm vướng này cần phải chờ đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 được thông qua, đồng thời một số luật liên quan cũng được bổ sung, hoàn thiện.

Như vậy, vấn đề pháp lý là vấn đề vướng mắc nhất trong trở ngại của thị trường bất động sản hiện nạy, để giải quyết vấn đề này thì trước mắt các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan cần báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu về các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, kiến nghị giải pháp giải quyết cho tổ công tác điều tra của Chính phủ. Từ đó, tổ công tác sẽ chủ động xử lý ngay những tồn đọng mà không cần phải báo cáo, chờ đợi các bộ, ngành liên quan giải quyết, nhờ đó sẽ giải tỏa được những lo lắng của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thị trường bất động sản 2023 đang sắp tới.


Tin liên quan

Tin mới