Giải pháp nào để lành mạnh hóa thị trường bất động sản?

Vướng mắc pháp lý là khó khăn lớn nhất của các dự án bất động sản, nhà ở, nếu các vướng mắc trên không kịp thời xử lý hiệu quả có thể dẫn tới suy thoái, tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Vướng mắc pháp lý là khó khăn lớn nhất của các dự án bất động sản.
Vướng mắc pháp lý là khó khăn lớn nhất của các dự án bất động sản.

Đầy khó khăn, thách thức

Theo ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, hoạt động của thị trường bất động sản có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh, từ hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi.

Ngoài ra, hiện tượng thao túng, không công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán; trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát triển nóng, thiếu tài sản bảo đảm, có hiện tượng phát hành trái phiếu, huy động vốn nhưng sử dụng không đúng mục đích.

Bên cạnh đó, các hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản chưa phân biệt được giữa người sử dụng và đối tượng đầu tư, kinh doanh, việc mua đi, bán lại nhiều lần cũng dẫn đến hiện tượng đầu cơ, nắm giữ bất động sản và đẩy giá ảo.

Cùng với đó, công tác quản lý sử dụng đất tại các địa phương còn có một số tồn tại, bất cập, đặc biệt một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm; hiện tượng chia tách thửa, phân lô bán nền thiếu kiểm soát cũng xuất hiện tại một số địa phương.

Bổ sung ý kiến trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, việc thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức đã dẫn tới các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản cũng gặp khó khăn theo. Từ đó, tác động dây chuyền đến hàng trăm ngành nghề của nền kinh tế, như: nhà thầu xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, các nhà môi giới, các tổ chức tín dụng và cả thị trường chứng khoán.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA)
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA).

Trước tình hình thị trường bất động sản đầy khó khăn như vậy, theo ông Châu, một số doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời “tự cứu mình” để “tồn tại” trước và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới, như dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình, dừng triển khai các dự án mới. Đặc biệt, tại một số doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với mức chiết khấu đến 40-50% giá hợp đồng, thậm chí phải tinh giản đến trên dưới 50% lực lượng lao động, giảm lương, tác động tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội và nhiều hộ gia đình.

Giải pháp trung, dài hạn

Theo ông Châu, giải pháp trung và dài hạn lúc này là việc nhà nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã xác định mục tiêu cụ thể là “đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của thị trường bất động sản.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 6/12/2022 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2022; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Quyết định số 1435/QĐ-TTG ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương doanh nghiệp.

Giải pháp ngắn hạn

Chính phủ xem xét ban hành 2 nghị định gồm: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai”.

Đồng thời, sửa đổi một số Thông tư liên quan để khắc phục ngay một số bất cập, vướng mắc nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với luật hiện hành, trong thời gian chờ các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (mới) và một số luật liên quan được ban hành và có hiệu lực.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Việc gia hạn phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu lưu hành chấp thuận, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong 2 năm tới và có khả năng huy động vốn.

Như vậy, trước những khó khăn, thách thức trên, điều cần thiết là cần phải đồng bộ nhiều giải pháp giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng lành mạnh, an toàn và bền vững.


Tin liên quan

Tin mới