Các Công điện của Thủ tướng kịp thời, quyết liệt, thúc đẩy nền kinh tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 4 Công điện liên quan đến các vấn đề tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và lạo động. Trước 4 công điện trên, các chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

4 Công điện ‘quyết liệt và kịp thời’

4 Công điện được Thủ tướng Chính Phủ đưa ra liên quan đến các vấn đề nóng gồm: Công điện số 1156 ngày 12/12 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, Công điện số 1163 ngày 13/12 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Công điện số 1164 ngày 14/12 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Trước các Công điện kể trên, các chuyên gia cho rằng, sau đại dịch Covid-19 cũng như tác động của nền kinh tế toàn cầu khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tín dụng, vốn, trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, 4 Công điện của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 4 vấn đề nóng trên là vô cùng hợp lý.

Giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

Nhận định về tác động của hai Công điện số 1163 và số 1164, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, đây là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Đính, thị trường bất động sản hiện tại đang rất cần những xử lý, điều hành để tháo các điểm nghẽn về vấn đề chính sách, nguồn vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Công điện của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội để các dự án bất động sản giải quyết được bài toán dòng vốn và xử lý các vấn đề vướng mắc về thủ tục pháp lý; thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các dự án và góp phần khôi phục sự sôi động của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Ông Đính cũng nhấn mạnh: “Từ hai Công điện số 1163 và số 1164, chắc chắn sang năm 2023, khi có room tín dụng mới, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi, song, sẽ không có chuyện “sốt đất” xảy ra như đầu năm 2022”.

Tuy nhiên, việc Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm chỉ đạo NHNN là vốn tín dụng phải đưa vào các lĩnh vực ưu tiên, hướng vào sản xuất kinh doanh. Do đó, dù nới room tín dụng nhưng lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng không hạ chuẩn cho vay, hướng tín dụng tới các DN có điều kiện vay vốn tốt để bảo đảm an toàn hệ thống.

Đặc biệt, một số lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro hoặc không tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế sẽ không dễ tiếp cận vốn trong dịp cuối năm. Đơn cử, lĩnh vực BĐS, tín dụng cho người có nhu cầu thực mua nhà hoặc sửa chữa nhà ở sẽ được ưu tiên hơn, trong khi việc kinh doanh hay đầu cơ bất động sản sẽ rất khó vay tiền.

Đánh giá Công điện số 1156, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế của BIDV nhận định: Về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế của Thủ tướng là chỉ đạo hết sức kịp thời, cụ thể, đáp ứng đúng yêu cầu cung ứng vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp vào cuối năm. Thủ tướng chỉ đạo cần tính toán lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế đến cuối năm và năm tới cũng như bảo đảm dòng vốn tín dụng phải có tính lan tỏa nhanh, ít rủi ro, góp phần quan trọng hỗ trợ DN, người dân sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: Vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp thường có xu hướng cần nhiều vốn cho quá trình sản xuất các đơn hàng cuối năm phục vụ xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, trước khi có chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận vốn do ngân hàng đã “cạn” chỉ tiêu về định mức tín dụng nên không cho vay được.

Ngoài ra, gần đây có một số vụ việc tiêu cực dẫn đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khiến không ít nhà đầu tư cá nhân suy giảm lòng tin, dù cơ quan quản lý đang có những động thái quyết liệt chỉnh đốn thị trường.

Đồng thời, những chấn chỉnh về khuôn khổ pháp lý thị trường vẫn có độ trễ, cần thời gian triển khai, chưa thể mang lại tác động ngay. Và trước tình hình hết sức bức thiết, Thủ tướng đã kịp thời ban hành Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đây là chỉ đạo quan trọng giải cứu trong ngắn hạn để doanh nghiệp, hộ kinh doanh không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như trợ lực cho sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Như vậy, những Công điện 'quyết liệt, kịp thời' của Thủ tướng Chính phủ đã phần nào giải tỏa nỗi lo và là động lực phát triển của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt, nhưng hy vọng 2023 tới đây, nhờ những chính sách kịp thời của Chính phủ sẽ tạo đà để thị trường bất động sản khởi sắc trở lại!


Tin liên quan

Tin mới