Hoà Bình: Tập trung hoàn thiện hạ tầng các KCN

Nâng cao hoàn thiện chất lượng hạ tầng các khu công nghiệp được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hoà Bình xác định là một trong những giải pháp quan trọng, là cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hoà Bình đã thành lập các nhóm, tổ giúp việc để kịp thời tư vấn, hỗ trợ từng dự án.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hoà Bình đã thành lập các nhóm, tổ giúp việc để kịp thời tư vấn, hỗ trợ từng dự án.

Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch trên 1.507 hecta; trong đó 2 KCN đã được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; một số KCN có tỷ lệ lấp đầy tương đối, như: KCN Lương Sơn đạt 100%; KCN Bờ trái sông Đà 91,53%; KCN Nam Lương Sơn 60,08%...

Thực hiện Kế hoạch số 226/KH-UBND, ngày 02/12/2021 của Uỷ ban tỉnh về hoàn thiện kết cấu hạ tầng Kinh tế - Xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hoà Bình đề ra nhiệm vụ trọng tâm là triển khai đầu tư vào một số công trình thiết yếu, gồm: Đường vào KCN, đường nối KCN, đường gom, trạm xử lý nước thải tập trung của 4 KCN Phú Bình, Yên Quang, Lạc Thịnh và Bờ trái sông Đà.

Đồng thời, Ban Quản lý đã triển khai lập quy hoạch phân khu xây dựng 5 KCN, khẩn trương thực hiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Năm 2023, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng các KCN tại Hoà Bình hơn 700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ đầu tư hạ tầng các KCN khoảng 600 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 75 tỷ và vốn ngân sách tỉnh hơn 33 tỷ.

Theo lãnh đạo Ban, đến nay, đối với các dự án nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã giải ngân trên 50% kế hoạch vốn giao năm 2023 và gần 40% kế hoạch vốn giao bổ sung năm 2023.

Theo đó; dự án đường vào KCN Yên Quang đang phối hợp triển khai công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục theo kế hoạch; dự án trạm xử lý nước thải sông Đà chuẩn bị chạy thử; dự án đường nối cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình với KCN Yên Quang hiện đã nghiệm thu khối lượng thanh toán trên 50% kế hoạch vốn giao; dự án đầu tư xây nút giao và tuyến đường gom KCN Lạc Thịnh đã triển khai theo kế hoạch.

Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng phối hợp quy hoạch bổ sung mới 8 KCN tại các huyện: Lương Sơn, Lạc Sơn, Yên Thủy, Đà Bắc, Tân Lạc và Thành phố Hòa Bình với tổng diện tích quy hoạch gần 2.238 hecta. Song song với đó, phối hợp các sở, ngành thực hiện lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho phù hợp tình hình thực tế.

Hiện tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư trên 119ha; vượt 8,4% so với kế hoạch giao.

Cùng với chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Giám đốc Ban Quản lý các KCN tỉnh - Đồng chí Chu Văn Thắng, cho biết: Ban đã tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp, tổ chức vận động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN. Định kỳ 6 tháng một lần, Ban Quản lý sẽ tổ chức giao ban hoặc đột xuất tổ chức làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong các KCN để kịp thời giải quyết những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp.

Tính tới hết tháng 10 năm 2023; Ban Quản lý đã thu hút 4 dự án mới với tổng vốn đăng ký 89,5 tỷ đồng; điều chỉnh 20 dự án; 3 dự án tăng vốn đăng ký 89,92 tỷ đồng. Đến nay, có 109 dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, trong đó 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 519,33 triệu $ và 83 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 15.947 tỷ đồng. Doanh thu của doanh nghiệp trong các KCN đạt trên 22.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt trên 775 triệu $, nộp ngân sách Nhà nước trên 250 tỷ đồng và giải quyết việc làm trên 1.700 lao động.

Theo Giám đốc Ban Quản lý các KCN tỉnh, thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng KCN, nhất là công tác thi công, GPMB, giải quyết các thủ tục hành chính. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng, là cơ sở để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư hạ tầng để xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư theo lĩnh vực, ngành thông qua các kênh kết nối đầu tư. Tiếp tục chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc chăm sóc các doanh nghiệp đã có quyết định chủ trương đầu tư đang triển khai các thủ tục trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.


Tin liên quan

Tin mới