Kiến trúc tân cổ điển là gì? Nội thất phong cách tân cổ điển và cổ điển khác nhau thế nào?

Kiến trúc tân cổ điển là sự kết hợp giữa kiến trúc cổ điển với những yếu tố hiện đại. Xuất hiện vào giữa thế kỷ 18 tại Pháp và Italia, là một phần trong phong trào tân cổ điển, lối kiến trúc này là sự kế thừa của kiến trúc cổ đại Hy Lạp, kết hợp với nguyên tắc kiến trúc bền vững của Vitruvius và phong cách của kiến trúc sư Andrea Palladio. Các kiến trúc tân cổ điển đặc trưng bởi sự đơn giản của hình khối, chú trọng vào quy mô lớn để gây ấn tượng chứ không quá tỉ mỉ trong điêu khắc các chi tiết nhỏ. Kiến trúc tân cổ điển là loại kiến trúc thịnh hành nhất ở châu Âu và Mỹ, sau đó ngày càng phổ biến trên khắp thế giới.

Đặc điểm của Kiến trúc tân cổ điển

Nhìn chung kiến trúc tân cổ điển nhấn mạnh vào những mặt phẳng, đề cao vai trò cá nhân giống như con người với những nhu cầu bình thường thay vì tổng thể cộng đồng.

Kiến trúc nhà phố - biệt thự tân cổ điển của Pháp đề cao sự đối xứng, sử dụng các cột thức, nhấn mạnh các chi tiết trang trí cầu kỳ trên cửa ra vào, phào và cửa sổ.

Để có một thiết kế nhà phố hay biệt thự tân cổ điển đẹp, ngoại thất bên ngoài không cần quá cầu kỳ, rườm rà như phong cách cổ điển mà chỉ cần thể hiện nét đẹp cổ kính nhẹ nhàng ghi dấu ấn bằng những mặt phẳng tường, các hình khối được khắc tạc tạo cảm giác kiên cố và vững chãi.

Những tác phẩm điêu khắc phù điêu đắp nổi là các điểm nhấn được đặt trên bề mặt phẳng có xu hướng hạn chế khung, hoa văn trong những trụ gạch dạng viên hoặc các mảng tường.  Hình khối kiến trúc cân đối và được biến tấu đa dạng hơn về không gian để phù hợp với từng chức năng sử dụng.

Do tập trung nhiều vào sự đơn giản nên kiến trúc tân cổ điển thường tối giản về mặt trang trí, không quá màu mè, mọi chi tiết đều được sắp xếp một cách trật tự tạo cảm giác rộng rãi, thông thoáng và sang trọng. Màu sắc được sử dụng nhiều như trắng, xám nhẹ, xanh… giúp cho những họa tiết nhẹ của phong cách tân cổ điển được “khoe” rõ nét hơn.

Dưới đây là những đặc điểm của kiến trúc tân cổ điển:

  • - Quy mô lớn

  • - Có tính cân bằng và đối xứng

  • - Họa tiết, hoa văn trang trí tinh xảo nhưng không rườm rà

  • - Hệ mái đa dạng nhưng đặc trưng nhất là mái vòm

  • - Sử dụng các thức cột đặc trưng của kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại

  • - Vật liệu sang trọng, cao cấp

Tòa nhà quốc hội Mỹ với phong cách kiến trúc tân cổ điển đơn giản mà tinh tế
Tòa nhà quốc hội Mỹ với phong cách kiến trúc tân cổ điển đơn giản mà tinh tế

Lịch sử của kiến trúc tân cổ điển

Trường phái kiến trúc Tân cổ điển được bắt nguồn từ kiến trúc cổ Hy Lạp và La Mã cổ đại, sau đó được bắt đầu ở Pháp và nhanh chóng lan rộng ở Châu Âu và sang Mỹ ở thế kỷ XVIII, XIX. Được thể hiện qua những thiết kế xây dựng nổi bật như cung điện, thư viện, trường học, bảo tàng, nhà ở….

Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, kiến trúc tân cổ điển đã chuyển sang giai đoạn “Hồi sinh cổ điển” – Classical Revival, với phong cách tối giản các chi tiết rườm rà để phù hợp với xu thế hiện đại, nhưng vẫn giữ được những nét tinh tế, sang trọng như đặc trưng vốn có của trường phái tân cổ điển.

Kiến trúc tân cổ điển Pháp
Kiến trúc tân cổ điển Pháp

Trải qua các quá trình hình thành và phát triển, kiến trúc Tân cổ điển đã trải qua 5 giai đoạn chính:

Giai đoạn đầu tiên - Palladio tiền thân, được phát triển bởi kiến trúc sư người Ý Andrea Palladio. Từ nhiều thế kỷ trước, khi chủ nghĩa Tân cổ điển bắt đầu phổ biến, ông đã bắt đầu đặt nền tảng cho phong trào tân cổ điển ở trung tâm thời kỳ Phục hưng Ý. Những thiết kế độc đáo chịu ảnh hưởng lớn của “kiến ​​trúc ngoại giáo cổ đại”, khác hẳn với kiến trúc Gothic của các nhà thờ Công giáo nằm rải rác ở Âu Châu. Cấu trúc trơn nhẵn của Palladio là sự kết hợp hài hoà giữa nét thiết kế cổ xưa và nét tinh tế, lạ mắt của hiện đại, từ đó đặt nền móng cho thiết kế tân cổ điển trong tương lai.

Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn Khai quật quá khứ, lúc này, phong cách Palladian bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ ở các nước phương Tây. Từ đây, các thành phố cổ đại như Herculaneum và Pompeii đã được khai quật ở Italy thế kỷ XVIII, đặc biệt là ở các thành phố La Mã, điều này đã thu hút sự chú ý của giới nghệ nhân, quý tộc đến thăm bởi những thiết kế đậm chất cổ xưa, khơi gợi lại thời huy hoàng của lịch sử kiến trúc, từ đó gợi cảm hứng trong phát triển nghệ thuật.

Về sau là giai đoạn Phản ứng với Rococo, khi “thời đại Khai sáng” bắt đầu gây ám ảnh cho thế giới cổ đại, các kiến ​​trúc sư cũng không còn chuộng sự lộng lẫy, xa hoa của kiến trúc Rococo và Baroque thế kỷ XVII. Từ đây, nhiều kiến ​​trúc sư ở Anh quốc đã thử nghiệm làm hồi sinh lại kiến ​​trúc La Mã, từ đó kéo theo nhiều người ở khắp Châu Âu và Châu Mỹ thực hiện theo và dần trở thành trào lưu.

Sau khi hồi sinh những kiến trúc La Mã cổ là sự ra đời của các công trình mang phong cách Tân cổ điển. Kiến trúc này được ứng dụng để mô phỏng lại cách cai trị, quản lý nhà nước của các nước cộng hòa La Mã và Hy Lạp cổ đại. Các kiến ​​trúc sư người Mỹ bắt đầu thiết kế những tòa nhà chính phủ, lặp lại kỷ nguyên và các lý tưởng về quốc gia mới của họ. Sau cuộc Cách mạng Pháp, những thiết kế tương tự đã mọc lên khắp "lục địa già" vì nỗ lực thực hiện các cải cách dẫn đến nhiều chính phủ đại diện hơn.

Cuối cùng là thời kỳ có tầm ảnh hưởng cho đến nay, tuy trải qua nhiều thời kỳ lịch sử hình thành và phát triển lâu dài nhưng chủ nghĩa tân cổ điển vẫn là nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận trong kiến trúc. Vào thế kỷ XIX, trường mỹ thuật của Pháp bắt đầu kết hợp phong cách cổ xưa được phục hưng với những hướng tiếp cận mới, hiện đại kết hợp cùng vật liệu công nghiệp. Từ thế kỷ XX cho đến nay, các kiến ​​trúc sư vẫn đang tìm cách tái hiện, sáng tạo tinh thần của các tòa nhà ở Roma và Athens.

Các loại hình kiến trúc tân cổ điển

Kiến trúc Tân cổ điển gồm 3 loại kiến trúc phổ biến như các tòa nhà kiểu đền thờ, các tòa nhà hình khối cổ điển và kiến trúc Palladian. Tùy vào từng thời kỳ và những mục đích sử dụng mà người ta sử dụng phong cách kiến trúc tân cổ điển.

Các tòa nhà kiểu đền thờ 

Vẻ đẹp tráng lệ của Điện Panthéon
Vẻ đẹp tráng lệ của Điện Panthéon

Các tòa nhà xây dựng theo kiểu đền thờ là một trong những loại kiến trúc đặc trưng nhất trong phong cách tân cổ điển. Đó là việc ứng dụng nét kiến trúc độc đáo của cổ xưa và hiện đại, mô phỏng nét đẹp những ngôi đền cổ, chẳng hạn như Bảo tàng Anh lấy cảm hứng từ Hy Lạp ở London và Điện Panthéon của Paris, dựa trên điện Pantheon ở Rome.

Các tòa nhà hình khối cổ điển 

Một loại kiến trúc trong phong cách tân cổ điển cũng rất phổ biến phải kể đến đó là các tòa nhà có dạng hình vuông, hình chữ nhật. Những thiết kế này thường có mái bằng và bên ngoài có các cột hoặc vòm lặp lại để tạo nên diện mạo giống như khối trang trí cổ điển. Chẳng hạn như công trình Bibliothèque Sainte-Geneviève, được xây dựng từ 1843 - 1850 bởi kiến ​​trúc sư người Pháp Henri Labrouste, đây được coi là kiệt tác kiến trúc tân cổ điển bởi hình thức độc đáo; hay nhà hát opera Palais Garnier ở Paris, do Charles Garnier thiết kế, là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về phong cách khối cổ điển.

Kiến trúc Palladian 

Kiến trúc Palladian nổi tiếng với nét đối xứng trang nghiêm, các yếu tố cổ điển và vẻ ngoài hoành tráng là nét đặc trưng của kiến trúc này. Cột, trụ thường được kết hợp với cổng có cấu trúc vòm và các cửa sổ cũng được sắp xếp theo tính chất đối xứng hoàn hảo - đây là đặc điểm quan trọng của phong cách kiến trúc tân cổ điển, đem đến không gian trang nghiêm, hùng vĩ.

Trái lại với tính thẩm mỹ qua những nét đối xứng của kiến trúc Palladian, bên trong lại được trang trí theo phong cách vương giả, xa hoa. Khái niệm tương phản đồng dư này được bắt nguồn từ Inigo Jones, người đã kết hợp các yếu tố cổ xưa với các yếu tố nghệ thuật sang trọng, độc đáo như lò sưởi, hàng dệt và các tác phẩm điêu khắc. Không có gì ngạc nhiên khi Jones kết hợp với nội thất sang trọng với kiến ​​trúc Palladian, một trong những dự án nổi tiếng nhất của ông là Queen’s House, được xây ở Greenwich (Anh quốc) hoàn thành vào khoảng năm 1635. Dự án có tầm ảnh hưởng lớn này được xem như sự khởi đầu của English Palladianism. Do đó, kiến trúc tân cổ điển với nét đẹp tinh tế, tráng lệ cũng được ứng dụng nhiều hơn trong các công trình và trở nên phổ biến.

So sánh kiến trúc tân cổ điển và cổ điển

Điểm giống nhau

Cả 2 phong cách thiết kế nội thất cổ điển và tân cổ điển đều lấy cảm hứng từ phong cách thiết kế nội thất trong những cung điện, lâu đài của các vua chúa, quý tộc từ những thập niên trước tại châu Âu và giúp thổi hồn vào không gian sống một luồng gió mới bằng sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và tiện ích.

Điểm đặc trưng nhất là mỗi sản phẩm nội thất đều được lựa chọn kỹ lưỡng về kiểu dáng và trang trí để đem tới độ chính xác đồng bộ nhất về phong cách.

Điểm khác nhau

  • Phong cách nội thất tân cổ điển

Tuy có nhiều nét kế thừa từ phong cách nội thất cổ điển nhưng nội thất tân cổ điển vẫn có nhiều nét khác biệt mà ta có thể nhận ra. Phong cách nội thất tân cổ điển là sự kết hợp những nét cầu kỳ của cổ điển nhưng lại có sự phóng khoáng của phong cách hiện đại nên các đường nét thường thanh thoát, hoa văn giản dị hơn và chủ yếu tập trung vào những đường cong mềm mại. Hơn nữa, ngày nay với sự trợ giúp của các loại máy chế biến gỗ công nghiệp, cùng với sự đa dạng về chất liệu sử dụng cũng như màu sắc tươi sáng của vật dụng nội thất biến không gian trở nên tươi mới hơn.

  • Phong cách nội thất cổ điển

Đặc điểm đặc trưng nhất của phong cách nội thất cổ điển có lẽ là sự tỉ mỉ trong từng chi tiết mà người nhìn chỉ cần thấy mức độ tinh xảo của chúng đủ để biết người nghệ nhân tạo ra những sản phẩm của phong cách này phải khéo léo ra sao. Chúng thu hút mọi ánh nhìn, quyến rũ mọi tâm hồn yêu cái đẹp, yêu những giá trị truyền thống xưa. Cùng với đó, màu sắc của nội thất phong cách cổ điển cũng vô cùng nhã nhặn, đa số là màu trầm, được tạo nên từ chất liệu đặc trưng như gỗ, sắt.

Quá trình du nhập và xu hướng kiến trúc tân cổ điển ở Việt Nam

Quá trình du nhập

Sau gần 100 năm Pháp thuộc, kiến trúc tân cổ điển bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Song, với khí hậu, văn hóa cũng như lối sống khác biệt mà các công trình kiến trúc được biến tấu để phù hợp hơn với Việt Nam, từ đó hình thành phong cách mới đó là kiến trúc Đông Dương (Indochine Architecture) hay còn gọi là Kiến trúc thuộc địa Pháp (French Colonial) được thể hiện rất rõ qua những công trình công quyền thời Pháp còn sót lại như nhà Khách chính phủ (1919), Phủ Chủ tịch (trước đây là Phủ Toàn quyền Đông Dương – 1902)...

Sau khi thống nhất đất nước, nhiều du học sinh và nghiên cứu sinh có cơ hội sang các nước Đông Âu hay Mỹ, được tiếp cận với kiến trúc tân cổ điển “bản gốc” mang về Việt Nam để thiết kế nên những công trình độc đáo mang nét đặc trưng Á - Âu rất riêng biệt, cũng từ đó mà kiến trúc tân cổ điển ngày càng thịnh hành ở Việt Nam.

Xu hướng

Những năm gần đây, những kiến trúc sư cũng như chủ đầu tư ngày càng ưa chuộng phong cách kiến trúc tân cổ điển bởi vẻ đẹp của nó, đó là sự kết hợp hoàn hảo của nét lộng lẫy, nguy nga, tráng lệ ở kiến trúc cổ đại xưa hòa với nét phóng khoáng của kiến trúc hiện đại. Có lẽ bởi nét đẹp ấy mà người ta ngày càng ưa chuộng lối thiết kế độc đáo này.

Vincom Mega Mall Royal City - Nguyễn Trãi (Hà Nội) với kiến trúc tân cổ điển
Vincom Mega Mall Royal City - Nguyễn Trãi (Hà Nội) với kiến trúc tân cổ điển

Những công trình lớn điển hình cho kiến trúc tân cổ điển ở nước ta có thể kể đến như những tòa nhà quốc hội cấp thành phố và cấp quốc gia, hay những chung cư cao cấp bậc nhất Hà thành và Sài thành như Penthouse Vincom hay Royal City…

Ngoài ra, xu hướng xây dựng biệt thự tân cổ điển cũng ngày càng phổ biến. Những căn biệt thự 1 tầng, 2 tầng, hay những khu đô thị hoàng gia… được xây trên một mảnh đất rộng lớn, nguy nga xuất hiện ngày một nhiều. Việc xây nhà, biệt thự, theo kiến trúc tân cổ điển giúp gia chủ thể hiện được đẳng cấp của mình.


Tin liên quan

Tin mới