Tết buồn của doanh nghiệp bất động sản

Khác với sự sôi động mọi năm, Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng thị trường bất động sản vẫn trầm lắng.

Doanh nghiệp khó khăn

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay chính là ‘bài toán dòng vốn’.

Theo ông Đính, trên thực tế hiện nay, các doanh nghiệp phát triển bất động sản chỉ có sẵn khoảng 20% tiền mặt để giải phóng mặt bằng, 80% số tiền còn lại phải đi vay. Trong khi nguồn vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu bất động sản là hai kênh dẫn vốn quan trọng nhất, song, hai kênh vay vốn này đang bị siết chặt; đối tượng người mua bất động sản cũng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bị hạn chế nhu cầu vay do lãi suất ngân hàng tăng mạnh. Từ hai nguyên nhân trên dẫn đến hệ lụy nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải dừng, giãn tiến độ hoặc hoãn dự án trong thời gian dài vì thiếu vốn, từ đó dẫn tới việc ‘thanh khoản kém’ và ‘doanh thu sụt giảm’.

Ngoài ra, vì chưa giải quyết được bài toán dòng vốn cùng việc lạm phát tăng cao gây áp lực lên giá đầu vào như chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu... làm cho nhiều dự án phải ngừng hoạt động.

Ngược lại, bất động sản không thể tăng giá vì không bán được hàng. Điều này gây ra sức ép lớn cho thị trường bất động sản trong bối cảnh như hiện nay.

Hơn nữa, các quy định pháp lý về Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các luật liên quan đến bất động sản còn chồng chéo, mâu thuẫn làm rào cản trong việc phê duyệt dự án, kể cả dự án nhà ở xã hội. Điều đó càng tạo sức ép, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản.

Cùng quan điểm với ông Đính, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM bổ sung thêm: Việc vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Trước diễn biến trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp tự cứu lấy mình để tồn tại trước và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, nghiêm trọng hơn thì dừng hoặc hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO, mua lại trái phiếu trước thời hạn; tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.

Giải pháp nào cho thị trường?

Đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa luật và nội dung sửa cần bám sát thực tế.

Ngoài ra, vấn đề lạm phát cũng đang được kiểm soát, để tránh giảm phát thị trường bất động sản, ngân hàng nhà nước nên nới room tín dụng cho thị trường bất động sản; hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt khó, đồng thời tránh ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng của quốc gia, tạo cú hích để thị trường sôi động trở lại.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

 Thị trường trái phiếu cần đẩy mạnh theo hướng lành mạnh và được kiểm soát tốt nhất có thể để hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản hiệu quả.

Ngoài ra, ông Đính cũng nhấn mạnh, cần phát triển các quỹ đầu tư, quỹ tín thác, quỹ nhà ở... để cung cấp vốn cho thị trường. Đặc biệt, vấn đề pháp lý cần đơn giản hóa hơn các thủ tục thì việc phê duyệt giá đất hiện nay sẽ giảm sự tắc nghẽn tại nhiều địa phương.

Như vậy, còn có quá nhiều điều để giải quyết về vấn đề thị trường bất động sản trong năm 2022, hy vọng sang năm 2023, những khúc mắc, những khó khăn sẽ dần được hóa giải, và thị trường bất động sản sẽ lại khởi sắc!


Tin liên quan

Tin mới