Tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho thị trường Bất động sản

Nhiều kiến nghị đã được các chuyên gia đưa ra, hướng đến việc tháo gỡ những điểm nghẽn, giải vây cho thị trường Bất động sản thời gian tới.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Mới đây nhất, tại diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã chỉ ra những dấu hiệu không ổn định của thị trường bất động sản.

Về nguồn cung, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm mạnh. Đến hết quý 3-2022, cả nước có 104 dự án đang triển khai, chỉ bằng 51% cùng kỳ so với cùng kỳ năm trước.

Về nguồn cung, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện
Về nguồn cung, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện

Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Nhà ở thương mại cao cấp nhiều trong khi dự án nhà ở giá trung bình phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân lại rất hạn chế, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải không ít khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khiến cho hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ vì thiếu vốn.

Ngoài ra, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng đã làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, khiến một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giảm lao động, các nhà thầu thi công phải dừng thi công,...

Các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải không ít khó khăn
Các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải không ít khó khăn

Cùng với đó là những khó khăn do tâm lý khách hàng. Một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, vào thị trường.

Cần những lệnh điều chỉnh kịp thời

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để gỡ khó cho thị trường, trong đó có Công điện 1164 của Chính phủ ngày 14.12 vừa qua.

Công điện nêu rõ trách nhiệm các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn liên quan trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có một loạt giải pháp liên quan tín dụng bất động sản, giảm lãi suất, giãn các khoản nợ,... sẽ góp phần thúc đẩy nguồn cung và cơ cấu sản phẩm trên thị trường.

Nói thêm về các giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng cần tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, các địa phương cần tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nắm bắt tình hình doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản.

cần tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp
Cần tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Do đó, các doanh nghiệp bất động sản cần tiến hành tái cấu trúc, phấn đấu trả hết các khoản nợ đến hạn phải trả; không trả được phải đàm phán khất; đồng thời chấp nhận cắt lỗ, bán đi một số tài sản, dự án để có tiền trả nợ.

Các chuyên gia bất động sản cũng đánh giá, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thị trường đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang tích cực nhận diện những “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản để có giải pháp trước mắt và căn cơ để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Trước mắt, cần tập hợp danh mục dự án khó khăn của địa phương, phân loại khó khăn mà dự án đang đối mặt như: dự án vướng giải phóng mặt bằng, dự án vướng do định giá đất, dự án đang triển khai nhưng “tắc vốn”,... để từ đó có giải pháp cụ thể.


Tin liên quan

Tin mới