TP Hồ Chí Minh nghiên cứu làm đường ven biển nối với Bà Rịa – Vũng Tàu

TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch đường ven biển, kết nối qua huyện Cần Giờ đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm hỗ trợ việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.
TP Hồ Chí Minh nghiên cứu làm đường ven biển nối với Bà Rịa – Vũng Tàu
TP Hồ Chí Minh nghiên cứu làm đường ven biển nối với Bà Rịa – Vũng Tàu

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa gửi Uỷ ban Thành phố đề án nghiên cứu xây Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Theo đề án, vị trí đề xuất xây dựng cảng có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy. Song, hiện nay chưa có giao thông đường bộ và đường sắt kết nối tới khu vực cảng.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến 2020 và tầm nhìn sau 2020, có quy hoạch đường Rừng Sác (đoạn từ Cao tốc Bến Lức - Long Thành đến thị trấn Cần Thạnh) với mặt cắt ngang đường rộng 120 mét. Hiện tại đang khai thác 6 làn xe, bề rộng mặt cắt ngang đường khoảng 30 mét.

Về tình hình đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với huyện Cần Giờ, hiện tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối huyện Bến Lức (tỉnh Long An) với huyện Nhà Bè, Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và huyện Long Thành (Đồng Nai) có chiều dài 58km, đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2025, trong đó đoạn đi qua huyện Cần Giờ tại xã Bình Khánh là đường trên cao.

Thêm vào đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, dự kiến thông qua chủ trương đầu tư trong quý I/2024.

Về định hướng nghiên cứu xây dựng hạ tầng giao thông, đề án cho biết, giai đoạn từ nay đến 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư xây cầu Cần Giờ kết nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Thêm nữa, sẽ đầu tư xây nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh; Đầu tư nâng cấp, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.

Chưa dừng lại ở đó, hiện UBND TP Hồ Chí Minh đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Cần Giờ. Trong đó, nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị dọc đường Rừng Sác (dự kiến kết nối từ KĐT biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè); tuyến đường kết nối cụm cảng Cần Giờ - Cái Mép.

Đặc biệt là nghiên cứu tuyến đường ven biển kết nối giữa TP Hồ Chí Minh (qua huyện Cần Giờ) với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đề án, vị trí xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đặt tại khu cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km.

Tổng diện tích ước tính khoảng 571 hecta, trong đó: Cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5 hecta và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5 hecta.

Cảng có thể tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan tải trọng tới 8.000 tấn (356 Teu).


Tin liên quan

Tin mới