Kiến trúc đình làng miền Bắc Việt Nam
Kiến trúc cổ Việt Nam có thể phân chia sơ bộ thành 5 loại hình chính:
- Kiến trúc quân sự - quốc phòng
- Kiến trúc cung điện - dinh thự
- Kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng
- Kiến trúc dân gian
- Kiến trúc vườn cảnh
Đình làng với chức năng vừa là nơi thờ cúng, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng xã nên bên cạnh là kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, còn là kiến trúc công cộng của dân gian.
Lịch sử
“Đình” theo nghĩa chữ Hán là một loại hình kiến trúc công cộng để tạm trú, tạm nghỉ. Ở Việt Nam, lịch sử phát triển của đình làng gắn liền với lịch sử của dân tộc. Ngôi đình có niên đại sớm nhất ở nước ta là tại cạnh động Thiên Tôn, Hoa Lư, Ninh Bình. Đình được xây dựng vào thế kỷ thứ X, nhưng đây không phải là một công trình tôn giáo tín ngưỡng mà chỉ là một trạm nghỉ của các đoàn sứ bộ, quan lại, quý tộc khi đến tiếp kiến triều đình.
Kiến trúc
Nơi đặt đình làng thường gắn liền với khu dân cư của làng. Tùy từng làng mà đình có thể là một công trình độc lập hoặc là một quần thể kiến trúc phân tán. Cũng có khi, đình kết hợp với các công trình kiến trúc, tôn giáo tín ngưỡng khác như chùa, văn chỉ, đền miếu. Đình thường có sân rộng phía trước để thực hiện chức năng là nơi tụ tập dân làng vào những dịp lễ, hội.
Tùy vào điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương mà kiến trúc của đình cũng có thể phát triển tương ứng từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản nhất, đình có thể chỉ là một nếp nhà hình chữ nhất có từ 5-7 gian thông nhau, trên có bốn mái. Phức tạp hơn, đình có thể có các dạng bố cục mặt bằng hình chữ đinh, chữ nhị, chữ công, chữ môn… Lúc này, đình không chỉ phát triển không gian theo bề ngang mà còn phát triển không gian theo bề dọc với cả phía sau, phía trước và hai bên. Dù có mở rộng, phát triển ra sao, không gian chủ yếu nhất của đình vẫn là tòa đại đình (đại bái), xung quanh tòa này là các công trình phụ như sân, tam quan, trụ cổng.
Hậu cung, đại đình và nhà tiền tế là những thành phần công trình kiến trúc đáng chú ý nhất của đình. Hậu cung là nơi thờ thần, thành hoàng làng. Đây cũng là nơi giữ các vật thiêng, đồ thờ cúng. Hậu cung không cần rộng lớn, nhưng phải kín đáo và ở vị trí trung tâm, nhằm tạo không khí thần bí, trang nghiêm. Trong kiến trúc đình làng, đây là một không gian được quây kín cố định, có thể nằm lọt trong phần trung tâm của tòa đại đình như tại đình Chu Quyến. Hậu cung cũng có thể được đặt riêng biệt phía sau, nối tiếp với tòa đại bái bằng một nhà cầu như tại đình Đình Bảng.
Đại đình là nơi hành lễ chính, cũng là không gian sinh hoạt công cộng và thực hiện chức năng hành chính của đình nên yêu cầu một không gian rộng lớn, trang trọng, bề thế. Các tòa đại đình thường là một nếp nhà ruộng từ 5 đến 7 gian thông nhau, thậm chí có khi lên đến 9 gian, có thể có chái hoặc không chái. Những ngôi đình tương đối lớn thường có ba mức sàn cao thấp khác nhau, thể hiện rõ sự phân tầng ngôi thứ, quyền lợi. Tòa đại đình là một khối kiến trúc gỗ với hệ thống cột, xà theo hệ chồng rường hoặc giá chiêng. Các hệ thống này chủ yếu liên kết với nhau bằng mộng mẹo, tạo nên thế cân bằng, vững chắc. Cả tòa đại đình được chống bằng những hàng cổ lớn, cột con đứng thẳng trên các hòn kê bằng đá tảng. Các cột chống này thường để mộc, bào tròn. Tại một số ngôi đình cột lại được sơn son thiếp vàng, trang trí rồng, mây. Trên các vì kèo, đầu bẩy, đầu dư, đổ, xà kẻ,... là nơi để các nghệ nhân dân gian chạm khắc, trang trí với các đề tài về hiện thức cuộc sống, cảnh lao động, cảnh sắc thiên nhiên.
Nhìn từ bên ngoài, mái đình có tỷ lệ đồ sộ, khá dày, chiếm 2/3 chiều cao của ngôi đình. Bốn góc mái xòe rộng uốn lượn nhẹ nhàng. Bờ nóc hơi võng xuống. Hai đầu bờ nóc có khi nhô cao vút ra ngoài giống các con thuyền lớn. Trên mái có khi được trang trí đôi rồng chầu nguyệt. Bên cạnh đó là những con kìm, vừa có chức năng kỹ thuật để giữ mái, vừa là một vật trang trí thể hiện sự tài hoa của người thợ, sự thịnh vượng của địa phương.
Nhà tiền tế thường có kích thước và quy mô nhỏ hơn tòa đại đình. Nhà tiền tế thường có mặt bằng hình chữ nhật hoặc hình vuông. Đa số không có vách bao quanh. Cùng với sân đình, nhà tiền tế cùng với các cấu trúc khác như tả vu, hữu vu, tam quan… là bộ phận nối tiếp với ngoại cảnh của khu đình. Nhà tiền tế cần thông thoáng, rộng mở để dễ dàng tập hợp quần chúng xung quanh mỗi khi làng có việc.
Ba thành phần kiến trúc kể trên được tổ hợp trên một đường trục thống nhất với tòa Đại đình là trọng tâm. Tùy từng nơi với các hoàn cảnh cụ thể mà các thành phần và công năng tương ứng sẽ được kết hợp, tách biệt để tạo nên những kiến trúc đình làng riêng biệt của từng địa phương. Có nơi đầy đủ các thành phần kiến trúc, có nơi lại không, có nơi có bố cục tập trung, nơi lại phân tán.
Đình làng là một công trình kiến trúc đa chức năng, vừa mang chức năng phục vụ cộng đồng cư dân làng xã, vừa mang chức năng là nơi thờ cúng thành hoàng của địa phương. Đình làng ở Việt Nam có một thời kỳ phát triển lâu đời, đạt đỉnh cao vào thế kỷ XVI-XVII. Thành phần kiến trúc quan trọng nhất của đình làng là tòa Đại đình, ngoài ra còn có các thành phần khác như nhà tiền tế, hậu cung,... Đình làng có thể là một tổ hợp gồm nhiều thành phần kiến trúc, cũng có thể chỉ là một nếp nhà riêng rẽ, tùy thuộc vào tình hình, điều kiện của địa phương. Đình làng cũng là nơi thể hiện tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc gỗ dân gian. Đề tài của những bức chạm khắc rất đa dạng, bao trùm từ cuộc sống đến thiên nhiên.
Tin liên quan
-
Thánh đường Cologne được biết đến không chỉ là nhà thờ tháp đôi cao nhất thế giới với...
-
Công trình Khoa Pháp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội
Công trình Khoa Pháp nằm trên khu vực quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Công trình là...
Tin mới
-
Tập Đoàn Kim Oanh Group: Đánh Giá Năng Lực và Những Dự Án Khu Đô Thị Quy Mô Lớn
“Những cái bắt tay tỷ đô” đã mang lại vị thế mới cho Tập đoàn Kim Oanh Group...21/06/2024 21:03 -
Rộ tin Qms Top Tower xây thô xong 45 tầng chuẩn bị mở bán
Theo những tin tức mới nhất, dự án QMS Tower tọa lạc tại đường Tố Hữu, Hà Đông,...14/06/2024 22:10 -
Dự án Square City Thái Nguyên " Khu đô thị Nam Thái " chính thức khởi công 9/6/2024
Square City Thái Nguyên, còn được biết đến với tên gọi Khu đô thị Nam Thái, là một...05/06/2024 02:33 -
The Sola Park sở hữu tọa độ kết nối hiếm có tại đại đô thị phía Tây Thủ Đô
Trong bối cảnh nguồn cung bất động sản khan hiếm, năm 2024 được đánh giá là “thiên thời”...30/05/2024 03:44