3 vùng động lực mới của tỉnh Kon Tum

HĐND tỉnh Kon Tum vừa thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, định hướng tổ chức cấu trúc tổng thể không gian phát triển kinh tế - xã hội với 6 hành lang kinh tế, 4 cực tăng trưởng và 3 vùng động lực.

Kon Tum hướng tới là cực phát triển quan trọng của kinh tế Tây Nguyên

Theo quy hoạch vừa thông qua, mục tiêu tổng quan của thời kỳ 2021 - 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để xây dựng Kon Tum thành tỉnh phát triển toàn diện.

Tiếp tục phát triển Kon Tum theo hướng đa lĩnh vực, đa ngành gồm: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đô thị và nông thôn. Trong đó, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc làm trọng tâm; Du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; Công nghiệp xanh và hệ thống đô thị quy mô lớn.

Cùng với đó, phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum trở thành một trong những tỉnh trung bình khá trên cả nước; kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực Tây Nguyên, của cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và khối ASEAN. Tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ môi trường hoà bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.

Tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và cả nước; giữ gìn môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Về tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh hướng tới là một cực phát triển quan trọng của kinh tế khu vực Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam; có hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Năm 2050, Kon Tum phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, phát triển ổn định - bền vững; Tăng trưởng với nhịp độ ổn định; đáp ứng các tiêu chí xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi biến đổi khí hậu;…

Quy hoạch cũng định hướng các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá phát triển tại của tỉnh trong thời gian tới.

Theo đó, tỉnh Kon Tum phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến; phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng “3 quốc gia, 1 điểm đến’’; phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - du lịch dựa trên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các vùng trọng điểm.

Kon Tum cũng phát triển 3 trung tâm đô thị bao gồm: Đô thị Trung tâm (TP Kon Tum và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ); Trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng Đen và khu du lịch quốc gia Măng Đen).

Tỉnh cũng phát triển 3 hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị động lực bao gồm: Hành lang đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc Nam; Hàng lang QL 40B; Hàng lang QL 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.

Tỉnh Kon Tum sẽ phát triển 3 trung tâm động lực tăng trưởng gồm có: TP Kon Tum; Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen.
Tỉnh Kon Tum sẽ phát triển 3 trung tâm động lực tăng trưởng gồm có: TP Kon Tum; Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen.

6 hành lang kinh tế, 4 cực tăng trưởng và 3 vùng động lực

Quy hoạch Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết định hướng tổ chức cấu trúc tổng thể không gian phát triển kinh tế - xã hội với 3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế.

Theo đó, 3 vùng động lực gồm có: Vùng Đông của tỉnh (huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plong); Vùng phía Nam của tỉnh (TP Kon Tum và vùng phụ cận gồm các huyện Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy); Vùng phía Bắc (các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông và Đăk Glei).

Bốn cực tăng trưởng gồm có: TP Kon Tum - Đăk Hà; Thị trấn Plei Kần - Pờ Y; Thị trấn Măng Đen - Đăk Rve; Thị trấn Đăk Glei.

Sáu hành lang kinh tế gồm có: Hành lang dọc đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc Nam; Hành lang dọc theo quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum; Hàng lang dọc theo QL40 và QL40B; Hàng lang dọc theo QL24D và ĐT 674; Hành lang dọc theo QL4C; Hàng lang dọc theo ĐT.672-676.

Về quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2025, toàn tỉnh có 11 đô thị gồm một đô thị loại 2, ba đô thị loại 4 và bảy đô thị loại 5. Tỉnh Kon Tum sẽ tập trung nguồn lực phát triển 3 vùng đô thị gồm, TP Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô; Plei Kần - Pờ Y - Đăk Glei; Thị trấn Măng Đen - Đăk Rve.

Thời kỳ 2026 - 2030, Kon Tum có 12 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 52,3%.

Trong thời kỳ này, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực phát triển 3 vùng đô thị gồm: Vùng TP Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô - Sa Thầy - Ia H’Drai; Vùng Plei Kần - Pờ Y - Đăk Glei - Tu Mơ Rông; Thị trấn Măng Đen - Đăk Rve - Thị trấn huyện lỵ Kon Rẫy.


Tin liên quan

Tin mới