Đất nền vùng ven đứng im do siết tín dụng và chính sách mới 2022

Khi nguồn vốn vay từ ngân hàng bị siết chặt đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung – cầu bất động sản từ Bắc vào Nam.

Giá tăng khiến nhu cầu mua hạ nhiệt

Thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc đất nền hiện không tấp nập, sôi động giao dịch như 3,4 tháng trước. Theo đó, không còn tình cảnh nhiều người đổ xô tìm kiếm cơ hội đầu tư đất đai mà chủ yếu chỉ thăm dò giá cả, thị trường. Hiện thị trường đang lệch pha cung - cầu khi người bán nhiều, người mua vắng bóng.

Động thái siết tín dụng vào bất động sản, cùng với việc siết chặt quy hoạch, chính sách mới, phân lô bán nền…, khiến thanh khoản đất nền giảm rõ rệt trên diện rộng.

Đồng loạt giảm mạnh tại tất cả các phân khúc tuy nhiên sự chững lại rõ nét nhất là loại hình đất nền ở các thị trường vùng ven.

Nhiều báo cáo dữ liệu bất động sản mới nhất cho thấy xu hướng tìm kiếm và giao dịch đất nền tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đang giảm mạnh. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm phân khúc đất nền cả nước giảm 18% so với tháng 3/2022. Hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM giảm lần lượt 17% và 11% so với tháng trước.

Tại khu vực phía Nam: Đất nền tại Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận giảm 19%, Bình Dương cũng có nhu cầu mua và rao bán đất nền giảm lần lượt 9% và 4%, đất nền Đồng Nai và Long An cùng giảm 12% so với tháng trước.

Khu vực phía Bắc: Đất nền tại Quảng Ninh và Hưng Yên lần lượt ghi nhận sự sụt giảm 24% và 26%.

Khu vực miền Trung: Những địa điểm nóng như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa đều rơi vào tình trạng giảm nhu cầu mua. Đà Nẵng có lượng tin rao bán đất nền giảm 4%, nhu cầu tìm mua giảm 16%.

Trong đó giao dịch đất nông nghiệp, đất vườn, đất rẫy giảm khủng nhất. Tại Đắk Nông, Bình Phước giảm khoảng 60-70%, Bình Thuận giảm khoảng 50% so với cao điểm đầu năm. Trước đây để đón đầu hạ tầng đô thị mới các khu vực này được mua bán sôi động, sang tay nhanh tại chỗ.

Siết tín dụng khiến nguồn vốn giảm mạnh

Đầu năm 2022, thị trường bất động sản hứng chịu nhiều biến động từ lạm phát, căng thẳng địa chính trị đến hoạt động siết tín dụng. Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu…khiến việc giải ngân, huy động vốn từ ngân hàng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Dưới sự tác động khiến nguồn vốn chững lại đã khiến thị trường bất động sản hạ nhiệt. Loại hình đất nền bị tác động mạnh nhất vì cần nguồn vốn cao.

Các chuyên gia nhận định, bên cạnh việc thắt chặt tín dụng bất động sản thì những chính sách mới về đất đai cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tìm kiếm và quan tâm bất động sản. Phân khúc đất nền – loại hình từng rất được quan tâm đã giảm gần 20% cho thấy động thái thận trọng, chờ đợi làn sóng mới của hầu hết nhà đầu tư.

Chính phủ đang từng bước minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Việc siết tín dụng tuy sẽ khiến nhóm dùng đòn bẩy tài chính khó huy động vốn nhưng giúp hạn chế đầu cơ, đẩy giá bất động sản tăng lên.

Đánh giá chung về bức tranh thị trường bất động sản sau hai năm dịch bệnh covid-19, nền kinh tế phát triển ổn định với mức tăng trưởng GDP tốt đạt hơn 5,03% thì chuyên gia cho rằng ngành bất động sản sẽ phát triển ổn định trở lại bất chấp những khó khăn về vốn đầu tư.


Tin liên quan

Tin mới