Nhờ những động lực này thị trường bất động sản sẽ vượt qua “vùng trũng” và phục hồi từ giữa năm 2024

Thời điểm hiện tại, dù thị trường đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa rõ nét, các chuyên gia dự báo vào giữa năm sau thị trường Bất động sản sẽ xuất hiện những dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn.

Chia sẻ tại buổi họp báo chiều 5/12, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield dự báo, thị trường bất động sản ghi nhận sẽ phục hồi vào quý 2/2024 khi lãi suất ngân hàng “dễ thở” hơn và thị trường thứ cấp sẽ có sự điều chỉnh giá để phù hợp với mức chi trả của người mua. Ở góc độ chính sách, các cơ quan Nhà nước đang làm việc rất tích cực để gỡ vướng về pháp lý cho các dự án kéo dài nhiều năm qua, trong đó có thuế sử dụng đất, các dự án đang vướng rất lớn ở điểm này.

Về phía doanh nghiệp, các chủ dự án đang điều tiết và tung ra những chính sách ưu đãi, nới lỏng điều kiện thanh toán thuận lợi, hấp dẫn hơn, việc này tác động rất tích cực đến việc kích thích nguồn cầu. Từ đó sẽ cộng hưởng mang lại những tác động tích cực đến thị trường nhà ở.

Nhờ những động lực này thị trường nhà đất sẽ vượt qua “vùng trũng” và hồi phục từ giữa năm 2024
Nhờ những động lực này thị trường nhà đất sẽ vượt qua “vùng trũng” và hồi phục từ giữa năm 2024

Theo bà Trang, hiện nay lãi suất huy động có giảm đáng kể nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm, các ngân hàng vẫn siết tín dụng cho chủ đầu tư. Về phần người mua nhà, 2023 là một năm biến động khá lớn, rất nhiều người thậm chí mất việc làm nên có thu nhập để vay cũng là điều không dễ dàng. Ngân hàng vẫn có “room” để cho vay với nhóm khách hàng này tuy nhiên lãi suất cao quá nên cũng không hấp dẫn người đi vay.

Về nguồn cung trên thị trường nhà ở, do ảnh hưởng thủ tục pháp lý quá chậm nên trong vòng ba năm qua nguồn cung trên tăng trưởng không đáng kể.

Từ 2014 – 2018 có thể coi là giai đoạn thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, thăng hoa nhất cả ở chất và lượng. Nguồn cung nhà ở TP.HCM gia tăng nhanh chóng, Cushman & Wakefield nghi nhận nguồn cung căn hộ mới giai đoạn 2014 – 2018 đạt đỉnh điểm với 167.280 căn, và lượng giao dịch thành công lên đến 164.793 sản phẩm. Trong khi nguồn cung nhà liền thổ giai đoạn này đạt 15.556 căn, lượng hấp thụ đạt 15.424 căn.

“Nếu nhìn cả 10 năm qua, giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhất vào năm 2014-2019 thì giá không tăng mạnh, nhưng từ năm 2021 đến nay đi cùng sự sụt giảm đáng kể nguồn cung, các dự án mở bán chủ yếu ở phân khúc cao cấp, hạng sang nên kéo mặt giá trên thị trường sơ cấp tăng khủng khiếp”, bà Trang nói.

Tổng giám đốc Cushman & Wakefield đánh giá, thị trường bất động sản đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng, cơ cấu sản phẩm, nguồn vốn đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường. Mặc dù thị trường bất động sản thời gian qua có những khó khăn nhưng xu hướng phát triển là tất yếu và tiềm năng còn nhiều để tiếp tục phát triển, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.

Động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam đến từ các yếu tố chiều sâu: Thị trường tiêu dùng rộng lớn 100 triệu dân, sự gia tăng tầng lớp trung lưu trong xã hội, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tốc độ đô thị hóa,… Tất cả những xu hướng này đều dẫn đến sự đi lên của thị trường bất động sản dù có thể điều chỉnh trong các chu kỳ ngắn hạn.

Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, thị trường bất động sản có triển vọng phục hồi, tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024 trở đi nhờ nhiều động lực.

Trong đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản đi đôi với tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án bất động sản.

Về nguồn cầu, nhu cầu ở thực trong xã hội vẫn rất lớn, nhất là nhu cầu loại nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp.


Tin liên quan

Tin mới