Quy hoạch tỉnh Kiên Giang năm 2030: Xây 12 cụm công nghiệp, 5 khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Khu kinh tế Phú Quốc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký phê duyệt quyết định số 1289/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có nhiều nội dung quy hoạch quan trọng.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng ĐBSCL; là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; Thành phố Hà Tiên là đô thị di sản; Thành phố Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống hạnh phúc, văn minh.

Quy hoạch tỉnh Kiên Giang năm 2030: Xây 12 cụm công nghiệp, 5 khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Khu kinh tế Phú Quốc
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Tập trung phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội giữa đất liền với hải đảo. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên tự nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Khai thác hiệu quả, bền vững lợi thế về biển-đảo, vị trí tiếp giáp với biển Tây để xây dựng tỉnh Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia; Phú Quốc là đô thị biển đảo độc đáo, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tầm cỡ quốc tế. Phát huy tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng để cải thiện hệ thống hạ tầng và kết nối, thúc đẩy giao thương, giao lưu quốc tế với các quốc gia trong khu vực.

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 7,0%/năm. Tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 29,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 24,7%; trong đó, công nghiệp chiếm 15,0%, dịch vụ chiếm 41,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,6% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ngành du lịch đạt khoảng 23,7 triệu du khách, trong đó khách quốc tế đạt 1,7 triệu lượt và khách nội địa 22 triệu lượt.

Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Kiên Giang dự kiến đạt khoảng 42 - 48%
Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Kiên Giang dự kiến đạt khoảng 42 - 48%

Về đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 42 - 48%. Xây dựng 12 CCN, 5 KCN, KKT cửa khẩu Hà Tiên, KKT Phú Quốc. Tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch đạt 98 đến 100%; tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 50 đến 55%.

Giai đoạn sau 2030: Thành lập khu kinh tế (KKT) ven biển Rạch Giá là KKT tổng hợp, đa ngành; trọng tâm phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị - dịch vụ - du lịch, công nghiệp ven biển, logictics cảng biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, nhằm phát huy tổng hợp lợi thế của đô thị tổng hợp - chuyên ngành, trung tâm đầu mối về thuỷ sản và cảng hàng không Rạch Giá. Thành lập KKT cửa khẩu tỉnh Kiên Giang, gồm: Khu cửa khẩu Giang Thành và KKT cửa khẩu Hà Tiên.

Đến năm 2050, đưa tỉnh Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; là cửa ngõ, đầu mối giao lưu, giao thương, giao thông quốc tế quan trọng. Thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, với nhiều giá trị đặc biệt. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của Kiên Giang được bảo tồn và thể hiện rõ nét.


Tin liên quan

Tin mới