Xem xét xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 350km/h

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi họp về Dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam. Trong các nội dung được kết luận, Phó Thủ tướng đã sơ bộ kết luận nội dung về hướng tuyến, tốc độ tàu chạy.
Phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam cần phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội đất nước, kinh nghiệm quốc tế, tốc độ thiết kế 350 km/h.

Theo đó, với hướng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, được định hướng nghiên cứu phương án bố trí điểm đầu, cuối tuyến tại trung tâm Hà Nội và TP HCM.

Với kết luận định hướng của Phó Thủ tướng, điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể sẽ được nghiên cứu lại. Thay vì phương án khởi đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM) như các dự thảo trước; còn ga Hà Nội và ga Sài Gòn của đường sắt hiện tại có thể được di chuyển, hoặc chuyển thành ga đường sắt đô thị. Trên thực tế, thời gian qua, cả Hà Nội và Sài Gòn đều có ý định di dời ga Hà Nội và ga Sài Gòn khỏi nội đô, hoặc chuyển các ga này chỉ phục vụ đường sắt đô thị, không phục vụ đường sắt quốc gia.

Cục Đường sắt Việt Nam đang xây dựng quy hoạch các ga đầu mối Hà Nội và TP HCM. Tư vấn lập quy hoạch đề xuất cấp thẩm quyền nghiên cứu, điều chỉnh lại phương án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo đó, khu vực Thủ đô Hà Nội được đề xuất kéo dài tuyến đường sắt này tới ga Hà Nội, biến ga này thành ga đầu mối trung chuyển giữa đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, thay vì dừng tại ga Ngọc Hồi như trước. Khu vực TP HCM, đường sắt tốc độ cao kéo dài tới ga Sài Gòn thành ga trung tâm, trung chuyển hành khách giữa đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị.

Liên quan tới tổng chi phí đầu tư, do dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật, thời gian thực hiện dài (trên 10 năm), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo nhấn mạnh tính toán sơ bộ tổng đầu tư chỉ là ước tính.

Số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước sau khi đủ điều kiện, tránh hiểu nhầm trong trường hợp tổng vốn đầu tư dự án tăng trong giai đoạn triển khai.

Nguồn vốn thực hiện dự án, theo Phó Thủ tướng, được bố trí trong giai đoạn đầu; giai đoạn sau nghiên cứu kết hợp nguồn thu từ giá trị gia tăng phát triển đô thị, kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe để kinh doanh vận tải và trả phí cho Nhà nước.

Phó Thủ tướng gợi ý nghiên cứu huy động chuyên gia tư vấn nước ngoài, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt cao tốc cùng tư vấn trong nước đánh giá kỹ phương án đầu tư đảm bảo khả thi, an toàn, hiệu quả tối ưu.

Thêm nữa, phát triển nguồn nhân lực phục vụ dự án phải đi trước một bước. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan căn cứ nhu cầu, dự tính số lượng lao động chất lượng cao, nhân viên kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền.


Tin liên quan

Tin mới