Khối lượng đầu tư bất động sản tại châu Á rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012

Hoạt động đầu tư Bất động sản thương mại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong quý III đã giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cũng là mức thấp nhất kể từ quý II/2012.
Khối lượng đầu tư BĐS ở châu Á xuống mức thấp nhất từ năm 2012
Khối lượng đầu tư BĐS ở châu Á xuống mức thấp nhất từ năm 2012

Theo dữ liệu và phân tích của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu JLL, tổng giá trị các khoản đầu tư bất động sản ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong quý III giảm xuống còn 21,3 tỷ USD do khối lượng đầu tư vào phân khúc văn phòng và bán lẻ giảm mạnh, trong khi một số phân khúc khác như công nghiệp & logistics vẫn duy trì được nhịp độ.

“Các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào phân khúc văn phòng ở nhiều thị trường. Chi phí nợ cao cũng gây áp lực định giá lại tài sản và hầu hết nhà đầu tư cũng đã điều chỉnh lại lợi nhuận kỳ vọng của họ. Chúng tôi vẫn có cái nhìn tích cực về sức hấp dẫn và khả năng phục hồi của lĩnh vực bất động sản thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương, nhưng cần nhìn nhận thực tế rằng các nhà đầu tư đang tìm chờ đợi sự rõ ràng hơn về giá cả và các điều kiện kinh tế vĩ mô”, Stuart Crow, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn tại JLL ở châu Á cho biết.

Trong quý III, Trung Quốc nổi lên là thị trường năng động nhất trong khu vực. Tổng khối lượng đầu tư tại quốc gia này đạt giá trị 4,7 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường. Các tài sản bất động sản công nghiệp & logistics là những phân khúc được quan tâm lớn nhất.

Trong khi đó, tại Hong Kong, tổng khối lượng đầu tư bất động sản thương mại trong quý III đạt 0,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu những tín hiệu tích cực đầu tiên sau đại dịch Covid-19.

Nhật Bản ghi nhận tổng khối lượng đầu tư trong quý III rơi vào khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự Trung Quốc, tài sản bất động sản công nghiệp & logistics vẫn là một lĩnh vực năng động trên thị trường, với hai thương vụ mua lại có giá trị lớn đã được thực hiện trong 3 tháng qua. Ngoài ra, việc ngành du lịch phục hồi nhanh chóng đã đẩy giá phòng khách sạn tăng, qua đó giúp phân khúc này phục hồi trở lại.

Tổng khối lượng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thương mại tại Hàn Quốc trong 3 tháng qua đạt mức 4,2 tỷ USD, giảm 35% so với cùng kỳ do các nhà đầu tư trong nước đã thu hẹp quy mô các quỹ đầu tư của họ, cùng với số lượng văn phòng, phân khúc cốt lõi trên thị trường bất động sản thương mại Hàn Quốc, sụt giảm.

Khối lượng đầu tư bất động sản thương mại tại Úc trong quý III cũng giảm 47% so với cùng kỳ, chỉ đạt mức 3,8 tỷ USD. Thị trường đầu tư tại quốc gia này vẫn chậm trong bối cảnh chi phí vốn thay đổi nhanh chóng. Dù vậy, thị trường Úc cũng bắt đầu ghi nhận việc các nhà đầu tư có xu hướng phân bổ nguồn vốn vào các tài sản công nghiệp & hậu cần cũng như nhà ở cho sinh viên nhiều hơn.

Một thị trường lớn khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Singapore ghi nhận tổng khối lượng đầu tư bất động sản trong quý III đạt 2 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ.

“Trong khu vực, chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc. Ngân hàng Dự trữ New Zealand và Ngân hàng Hàn Quốc có thể sẽ kết thúc việc thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi Ngân hàng Dự trữ Úc có thể còn nhiều việc phải làm. Do đó, lãi suất cố định trong khu vực hiện gần giống với lãi suất thả nổi, ngoại trừ Nhật Bản khi nước này có kế hoạch hướng tới bình thường hóa chính sách", Pamela Ambler, người đứng đầu bộ phận dự báo của JLL, cho biết.

“Khi năm 2023 sắp kết thúc, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc yếu tố chi phí vốn tăng cao trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô không chắc chắn. Với quyết định điều chỉnh lãi suất sắp tới của Fed, chúng ta cũng có thể kỳ vọng hoạt động đầu tư sẽ tăng lên khi chi phí nợ giảm bớt”.


Tin liên quan

Tin mới