Vỉa hè - một trong những vấn đề dân sinh được quan tâm nhất vào dịp cuối năm

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, đánh giá, thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện tham gia giao thông và mỹ quan đô thị vào dịp cuối năm.

Bừa bộn, nhếch nhác

Theo ghi nhận, nhiều tuyến vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội sau khi được cải tạo, chỉnh trang, lát đá tự nhiên, vật liệu giả thì sau một thời gian ngắn đã bị xuống cấp, hư hỏng.

Hiện tượng đó không hiếm gặp khi đi trên những tuyến phố thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông,...

Đá lát vỉa hè bị xuống cấp trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy
Đá lát vỉa hè bị xuống cấp trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy.

Cụ thể, dọc tuyến phố Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), từ năm 2017, vỉa hè được lát gạch đá tự nhiên có tuổi thọ khoảng 70 năm, nhưng đến nay nhiều vị trí đã xuất hiện tình trạng vỡ, nứt bề mặt, các viên gạch bị bật lên trông rất mất mỹ quan.

Tình trạng trên cũng đang diễn ra trên các tuyến phố như phố Láng Hạ (Đống Đa), khu đô thị Định Công (Hoàng Mai), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân),… vỉa hè xuống cấp nghiêm trọng, các viên đát lát vỉa hè bị vỡ nát, cập kênh, hư hỏng… Đặc biệt, phố Trịnh Văn Bô (Nam Từ Liêm) được đầu tư khá đồng bộ, hai bên vỉa hè được lát đá, dài hàng cây số, đến nay đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Bao giờ hết cảnh đào lên lấp xuống?

Trước thực trạng trên, một số chuyên gia về lĩnh vực đô thị cho rằng, kích thước và công nghệ lát đá vỉa hè vô cùng quan trọng. Trong khi đó, ở Hà Nội, đa số các dự án đều lát đá khổ rộng, nhưng chiều dày chỉ vài centimet. Hơn nữa, tại nhiều khu vực việc quản lý, thi công và giám sát thi công không đạt yêu cầu cũng có thể là yếu tố khiến vỉa hè xuống cấp nhanh chóng.

Theo các chuyên gia, tuổi thọ 50-70 năm chỉ thể hiện độ bền của vật liệu. Việc thành phố lựa chọn lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là đúng nhưng chủng loại đá, kích thước và công nghệ lát như thế nào mới là vấn đề quan trọng, tác động đến độ bền của vỉa hè sau khi được lát.

Các nhiều chuyên gia cũng chỉ thêm, theo quy định, chức năng số một của vỉa hè là giao thông và chỉ để phục vụ người đi bộ. Tuy nhiên, ở Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung, ngoài phục vụ việc đi bộ, vỉa hè còn phục vụ nhu cầu vận tải. Đặc biệt, có những nơi, vỉa hè còn bị tận dụng để đỗ ô tô, xe cơ giới, cũng khiến đá lát vỉa hè bị nứt vỡ nhanh hơn. Ngoài ra, vào các khung giờ cao điểm sáng và chiều, xe máy nối đuôi đi lên vỉa hè khiến nhiều đoạn bị sụt lún, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng về mỹ quan đô thị, chất lượng và tuổi thọ của đá lát vỉa hè.

Vào các khung giờ cao điểm, xe máy nối đuôi đi lên vỉa hè khiến nhiều đoạn bị sụt lún, giảm tuổi thọ của đá lát vỉa hè.
Vào các khung giờ cao điểm, xe máy nối đuôi đi lên vỉa hè khiến nhiều đoạn bị sụt lún, giảm tuổi thọ của đá lát vỉa hè.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần thiết phải thực hiện nghiêm quy định hạ ngầm đồng bộ rồi mới lát lại vỉa hè, tránh “làm lấy được”, dẫn đến tình trạng đào lên, lấp xuống, vừa mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đời sống người dân, gây lãng phí, kém hiệu quả.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nhanh của những công trình vỉa hè như có dự án, hồ sơ thiết kế chưa quy định được rõ cường độ vật liệu đá lát hè, thiếu thiết kế... Ngoài ra, việc quản lý chất lượng và hiện trạng chất lượng thi công thực tế tại các dự án vẫn còn những bất cập. Công tác kiểm tra, giám sát vật liệu đá đầu vào tại một số dự án chưa đạt yêu cầu; công tác giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chưa kịp thời...

Trước tình hình đó, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết, đã có kiến nghị UBND TP Hà Nội, trong năm 2023 cần đánh giá hiệu quả của chủ trương và chất lượng. Từ đó xem xét hiệu quả, chất lượng, để có nên tiếp tục thực hiện lát đá vỉa hè nữa hay không?

UBND Hà Nội đã giao Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát và đánh giá nguyên nhân. Đầu năm 2023, TP sẽ xem xét lại các phương án để đảm bảo chất lượng cho hạng mục này.


Tin liên quan

Tin mới