Bản tin bất động sản tuần qua (16/5 - 21/5): Tây Nguyên đón sóng đầu tư mới; Loạt dự án hạ tầng giúp Đông Nam Bộ lột xác

Quỹ đất tại TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh lân cận khu đô thị lớn ngày càng thu hẹp, giá đất cao thì khu vực Tây Nguyên trở thành viên ngọc sáng cho nhà đầu tư.

Thông tin thị trường bất động sản nổi bật tuần qua

Phân khúc biệt thự, nhà phố ven TP.HCM ‘nóng’ trở lại: thị trường bất động sản phân khúc biệt thự, nhà phố tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh. Chỉ trong tháng 4/2022, giá bán biệt thự liền kề tại TP.HCM tăng từ 25-60%, trung bình từ 350 triệu/m2, tăng 5% - 10% so với tháng trước. Đặc biệt, khu vực vùng ven ghi nhận tăng khoảng 35%, đơn cử TP.Thủ Đức tăng 25% và quận Tân Bình biến động tăng mạnh gần 60% so với năm 2021.

Hàng chục nghìn tỷ đồng đổ bộ đầu tư khiến giá đất Tây Nguyên sốt liên tục: Hiện nay, quỹ đất tại TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh lân cận khu đô thị lớn ngày càng thu hẹp, giá đất cao thì Tây Nguyên trở thành viên ngọc sáng với nhiều tiềm năng phát triển. Tây Nguyên có lợi thế về vị trí, hạ tầng kết nối cũng như quỹ đất sạch, còn rộng, thời tiết thuận lợi với nhiều tiềm năng du lịch. Trong đó phải kể đến nhiều công trình giao thông trọng yếu đã làm thay đổi diện mạo Tây Nguyên khiến các ông lớn ngành bất động sản tranh nhau tìm đến khu vực “phố núi” để đầu tư.

Bình Định ‘siết’ quản lý các dự án nhà ở xã hội: Bình Định có 15 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai với khoảng 10.733 căn. Việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho công nhân cũng được đưa vào kế hoạch của tỉnh, tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà vì nhu cầu của người dân không cao.

Đất khu đô thị Thanh Hà bất ngờ bị "thổi giá": Gần đây, bỗng xuất hiện “sóng” đất tại dự án khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 sau nhiều năm nằm bất động do dự án vướng sai phạm và dừng mọi hoạt động xây dựng. Hiện các sàn môi giới bất động sản tại đây hoạt động nhộn nhịp, khách hàng đến giao dịch, mua bán biệt thự, liền kề tấp nập như "chợ”. Giá đất biệt thự, liền kề tại dự án khu đô thị Thanh Hà đang được đẩy lên cao sau khi có thông tin thông báo khởi công xây dựng nhà ở thấp tầng. Ngay sau đó, cơ quan chức năng Hà Nội đã phải ra văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng tại dự án.

Bất động sản công nghiệp khởi sắc, thu hút vốn đầu tư 2022: Thị trường bất động sản công nghiệp đang trở thành lĩnh vực nổi bật thu hút nguồn vốn từ FDI khiến các đại gia như Vingroup, Hoà Phát đổ bộ đầu tư. Nhiều ông lớn ngành bất động sản đang đổ bộ vào phân khúc đất công nghiệp. Có thể kể đến, Vingroup. Hiện Vingroup đang lấn sân sang mảng kinh doanh bất động sản công nghiệp. Tại Hải Phòng, tập đoàn này đang vận hành khu công nghiệp 335 héc-ta, tại Hà Tĩnh thì đang triển khai đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Vũng Áng.

Sức nóng thị trường đổ về những địa bàn mới tại tỉnh Bình Dương: Huyện Phú Giáo và Bắc Tân Uyên là hai thị trường đang cho thấy sức hấp dẫn với giới đầu tư khi nhu cầu tìm mua nhà đất tại đây tăng lần lượt là 17% và 6% nếu so với năm ngoái. Nhận định của chuyên gia về sự thay đổi nhu cầu tìm mua bất động sản tại Bình Dương là do nguồn vốn. Theo đó, bất động sản tại Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một giảm mạnh chủ yếu là ở nhóm đất nền và chung cư.

Xem thêm: Bình Dương: Sức nóng thị trường đổ về những địa bàn mới

Cò đất náo loạn vùng ven TP.HCM: Cò đất giới thiệu những mảnh đất lúa, đất nông nghiệp và hứa bao lên thổ cư, phân lô ở Hóc Môn, Củ Chi. Trước thông tin đầu tư của các doanh nghiệp tại hai huyện Hóc Môn, Củ Chi thì giá đất ở hai huyện này tăng dựng đứng, trung bình khoảng 30%-50% chủ yếu do cò đất thổi giá, thậm chí bao xây dựng trong các khu đất đã có quy hoạch...Do đó, lãnh đạo của huyện Hóc Môn khuyến cáo người mua đất nên tìm hiểu kỹ kế hoạch sử dụng đất, không để dính bẫy của cò đất.

Quy hoạch mới của các địa phương, dự án mới được ra mắt

Đô thị Cam Ranh và Cam Lâm dự báo phát triển mạnh: Đô thị mới Cam Lâm sẽ là khu đô thị thông minh - sinh thái, có sân bay và có cả quần thể vui chơi giải trí quy mô lớn. Nơi đây cũng sẽ có trung tâm khoa học công nghệ và định hướng thu hút các cơ sở giáo dục và y tế đẳng cấp quốc tế. Cùng với đô thị Cam Lâm, Cam Ranh cũng được định hướng sẽ phát triển mạnh mẽ tại tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới. Khu đô thị thông minh - sinh thái này sẽ được xây dựng kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, vùng vịnh Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Hà Nội dành 23.524 tỷ đồng để triển khai Dự án Đường Vành đai 4: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án quan trọng Quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội (dài khoảng 58,2km), Hưng Yên (dài khoảng 19,3km), Bắc Ninh (dài khoảng 25,6km)…

Loạt dự án hạ tầng gần 200.000 tỷ giúp "lột xác" vùng Đông Nam Bộ: Sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây… là những hạ tầng “khủng” tạo động lực phát triển cho cả vùng. Loạt hạ tầng trọng điểm kết nối Đông Nam Bộ và các địa phương đang được triển khai đã tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản tại đây trở nên sôi động, tập trung nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng.

Bà Rịa – Vũng Tàu sắp có công viên hơn 1.300 tỉ đồng: Dự án công viên Bàu Sen có diện tích khoảng 18ha diện tích mặt nước và 32 ha diện tích đất. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho dự án là trên 1.300 tỉ đồng. Khu đất thực hiện dự án bao gồm khoảng 18ha diện tích mặt nước và 32 ha diện tích đất. Mặt bằng khu đất hiện có nhiều diện tích đất công và đất ở của dân (chủ yếu là nhà tạm, nhà cấp 4 và nhà xưởng).

Bản đồ quy hoạch thành phố Hà Nội đến 2030: Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch thủ đô Hà Nội 2030 và tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch Hà Nội 2030 là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam. Là loại đô thị đặc biệt, trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học quan trọng của cả nước; là nơi hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Xem thêm: Bản đồ quy hoạch thành phố Hà Nội đến 2030

Thanh Hóa thống nhất điều chỉnh quy hoạch dự án nghỉ dưỡng khoáng nóng 6.800 tỷ đồng: UBND tỉnh Thanh Hóa phát đi Công văn về việc thống nhất chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương. Dự án có quy mô đầu tư hơn 6.848 tỷ đồng, với thời gian thực hiện từ quý 4/2021 - quý 4/2025 là đi vào hoạt động.

Thái Nguyên sắp có thêm 3 khu đô thị: Gồm dự án khu đô thị Bá Xuyên; dự án khu đô thị Thống Nhất, phường Phố Cò, thành phố Sông Công; dự án khu đô thị mới số 2 Thịnh Đán - Quyết Thắng, TP.Thái Nguyên. Dự kiến tổng chi phí thực hiện không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 234,8 tỉ đồng, có tiến độ đề ra là từ quý 2.2022 đến hết quý 4.2024.


Tin liên quan

Tin mới