Quy hoạch là gì? Mọi thông tin liên quan đến quy hoạch mới nhất 2022

Quy hoạch là việc phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ và đời sống. Trên một địa bàn lãnh thổ (quốc gia, vùng, tỉnh, huyện). Cho một mục đích nhất định trong một thời kì trung hạn, dài hạn. Để cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trên lãnh thổ theo thời gian. Và là cơ sở để lập các kế hoạch phát triển.

Quy hoạch là quá trình sắp xếp, bố trí các đối tượng quy hoạch vào một không gian nhất định nhằm đạt được mục tiêu của kế hoạch đề ra.

Quy hoạch là gì? Có bao nhiêu khái niêm khác liên quan đến quy hoạch

Quy hoạch đất luôn là vấn đề thu hút số lượng lớn người quan tâm
Quy hoạch đất luôn là vấn đề thu hút số lượng lớn người quan tâm

Đất quy hoạch là gì?

Đất quy hoạch chính là vùng đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất ở từng địa phương, phân theo từng mục đích sử dụng và được chia thành từng kỳ trong một khoảng thời gian nhất định. 

Việc quy hoạch đất được đưa ra để hoạch định chính sách, phát triển kinh tế địa phương, nhằm đảm bảo việc sử dụng quỹ đất một cách có hiệu quả và đây cũng là cơ sở để Nhà nước giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, hay là cơ sở để Nhà nước thực hiện việc đền bù về đất, chi phí về đất cho người dân khi có quy hoạch cần thu hồi đất.

Ở mỗi địa phương đều có quy hoạch kế hoạch sử dụng đất dựa trên quỹ đất cũng như là tình hình sử dụng đất thực tế ở địa phương, và kế hoạch này cũng có thể thay đổi theo từng thời kỳ để đảm bảo sự phát triển phù hợp nhất.

Quy hoạch đô thị là gì?

Quy hoạch đô thị là việc tổ chức lại không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống các cơ sở hạ tầng – kỹ thuật và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân ở các đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

Quy hoạch xây dựng là gì?

Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.

Giấy phép quy hoạch xây dựng là gì?

Giấy phép quy hoạch xây dựng là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trong khu chức năng đặc thù làm căn cứ lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án khi chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt.

Bản đồ quy hoạch là gì?

Theo luật Quy hoạch 2017,sơ đồ quy hoạch, bản đồ quy hoạch là bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch.

Quy hoạch khu công nghiệp là gì?

Quy hoạch khu công nghiệp là việc phân bố, phát triển mạng lưới các cụm công nghiệp hợp lý trên cơ sở sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên của địa phương trong từng thời kỳ.

Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống mà ở đó là sự tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Quy hoạch đất nông nghiệp là gì?

Quy hoạch đất nông nghiệp là việc khoanh vùng và phân bổ đất dùng để sản xuất, canh tác nông nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường… trong một khoảng thời gian xác định.

Phân loại quy hoạch?

Phân loại quy hoạch theo đối tượng được quy hoạch

  • Quy hoạch không gian biển
  • Quy hoạch sử dụng đất
  • Quy hoạch ngành
  • Quy hoạch đô thị

Nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch

Là một công việc đóng vai trò chiến lược cho sự phát triển của quốc gia, việc lập quy hoạch sử dụng đất do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định dựa trên tiềm lực của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng nhằm đưa ra những chính sách phù hợp, khai thác tốt các điều kiện của mỗi vùng.

Quy hoạch đô thị cũng có những nguyên tắc nhất định theo quy định nhà nước
Quy hoạch đô thị cũng có những nguyên tắc nhất định theo quy định nhà nước

Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch đất vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc được quy định tại Điều 35 Luật Đất đai 2013. Theo đó, việc lập lập quy hoạch đất trên phải tuân thủ tám nguyên tắc sau:

  • Thứ nhất, phù hợp với chiến lược quy hoạch đất tổng thể, kế hoạch phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng;
  • Thứ hai, phải được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch đất của cấp trên. Với quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia cần bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng; quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã.
  • Thứ ba, quy hoạch sử dụng đất của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch đất, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
  • Thứ tư, đảm bảo việc sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả;
  • Thứ năm, góp phần khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường;
  • Thứ sáu, góp phần bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh của quốc gia;
  • Thứ bảy, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai;

Cuối cùng, việc lập quy hoạch sử dụng đất cần đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực.

Chủ thể chịu trách nhiệm quy hoạch

Thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch

  • Chính phủ tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia
  • Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch vùng
  • Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh

Thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch

  • Chính phủ tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
  • Thủ tướng Chính phủ tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Thẩm quyền thẩm định quy hoạch

Hội đồng thẩm định quy hoạch các cấp chịu trách nhiệm thẩm định quy hoạch.

  • Thành phần Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng bao gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch là Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ. Thành viên của Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương và tổ chức, cá nhân khác. Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định.
  • Thành phần Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh bao gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành viên của Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương và tổ chức, cá nhân khác. Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định.

Thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch

  • Quốc hội quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
  • Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
  • Đối với quy hoạch Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội.

Trách nhiệm tổ chức công bố quy hoạch

  • Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
  • Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức công bố quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền tổ chức lập.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công bố quy hoạch tỉnh.

Ý nghĩa các bản đồ quy hoạch hiện nay

Các bản đồ quy hoạch đều có những giá trị khác nhau
Các bản đồ quy hoạch đều có những giá trị khác nhau

Quy hoạch 1/2000 là gì?

Quy hoạch 1/2000 là bản đồ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 nhằm phân chia và xác định chức năng sử dụng đất và mạng lưới công trình hạ tầng nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch chung đô thị, định hướng quy hoạch một khu đô thị trên cả một khu vực rộng lớn. Bản quy hoạch này có giá trị pháp lý cao, là căn cứ để giải quyết tranh tụng.

Đây cũng có thể gọi là bản quy hoạch phân khu. Vậy quy hoạch phân khu là gì? Nó giúp xác định phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu dự kiến về dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Để đảm bảo phù hợp về không gian kiến trúc, đầu nối hạ tầng kỹ thuật với quy hoạch chung đã được phê duyệt và các khu vực xung quanh.

Quy hoạch chi tiết 1/500 là gì?

Các thông tin chi tiết về quy hoạch 1/500

Thiết kế quy hoạch 1/500 được gọi là bản đồ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Bản đồ này là hình thức triển khai hóa một cách cụ thể về quy hoạch tỷ lệ 1/2000. Bản đồ này cũng được coi là một cơ sở để lập nên được các dự án xây dựng khác khi đã có đầy đủ giấy tờ cấp phép cũng như các nhà quản lý đầu tư xây dựng. Bản đồ quy hoạch 1/500 cụ thể hóa nội dung quy hoạch phân khu và quy hoạch chung.

Một cách nói khác, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 chính là quy hoạch tổng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng. Là cơ sở để định vị công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình và thực hiện xây dựng.

Một bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sẽ bao gồm các thông tin về quy hoạch chung, vùng, quy hoạch chi tiết và cả thiết kế đô thị. Khi chủ đầu tư muốn thực hiện xin phê duyệt chi tiết tỉ lệ 1/500 cần đầy đủ các hồ sơ liên quan, từ đó tạo cơ sở để được xét duyệt. Trình tự lập quy hoạch chi tiết 1/500 và Các hồ sơ cần có để xin 1/500 được kể đến như:

  • Tờ trình đề nghị được thẩm định
  • Có quyết định phê duyệt của chủ đầu tư
  • Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị
  • Các văn bản, giấy tờ cung cấp thông tin quy hoạch của cơ quan đã có thẩm quyền hay những chứng chỉ liên quan đến quy hoạch
  • Bảng biểu thống kê
  • Phụ lục và hình ảnh minh họa về khu đất
  • Bản đồ
  • Toàn bộ phạm vi khu vực đã lập quy hoạch tỷ lệ 1 500

Những dự án nào phải lập quy hoạch tỷ lệ 1/500

Quy hoạch 1/500? Các loại công trình và dự án cần có Phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 được nhà nước và bộ luật đất đai quy định rõ ràng và chi tiết. Cụ thể “Đối với dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha. Thì có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết”.

Như những quy định trên. Thì các dự án nêu trên sẽ chỉ lập bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu. Bảo đảm sự đấu nối hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với không gian kiến trúc với khu vực xung quanh.

Nhưng mặt khác, khi chủ đầu tư triển khai lập dự án. Phòng chuyên môn và Sở Xây dựng sẽ yêu cầu phải lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500. Với quan điểm, dự án khu dân cư chủ đầu tư là các hộ dân. Vì vậy sẽ có nhiều chủ đầu tư nên dù dự án có quy mô nhỏ hơn 5 ha thì vẫn phải lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500.

Một số bản đồ quy hoạch khác

Bản đồ quy hoạch chung 1/5000 nhằm xác định tính chất, vai trò của đô thị để khai thác tiềm năng, động lực phát triển, hướng phát triển, mở rộng đô thị, bố trí hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị cả nội thị và ngoại thị.

Tùy mỗi dự án quy hoạch sẽ có một tỷ lệ tương ứng. Bản đồ quy hoạch sẽ chia thành 3 loại như trên quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Mỗi loại quy hoạch sẽ có 1 tỷ lệ riêng, tỷ lệ cho đồ án quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương là 1/25000 hoặc 1/50000 còn của thị trấn là 1/5000 hoặc 1/10000.

Tại sao quy hoạch bắt buộc phải có bản đồ

Theo quy định của pháp luật thì khi quy hoạch bắt buộc phải có bản đồ. Đây là một trong các yếu tố quan trọng của nội dung trong đồ án quy hoạch. Đồ án quy hoạch đô thị là tài liệu thể hiện nội dung của quy hoạch đô thị, bao gồm các bản vẽ, mô hình, thuyết minh và quy định quản lý theo quy hoạch đô thị.

Mỗi bản đồ có một ý nghĩa, nhiệm vụ riêng và được sử dụng tùy thuộc vào từng giai đoạn. Bên cạnh đó nó còn mang giá trị pháp lý cao, là căn cứ để đưa ra quyết định khi có các phát sinh tranh chấp, kiện tụng xảy ra.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến quy hoạch sử dụng đất

Luôn tồn tại những vấn đề thắc mắc xung quanh quy hoạch đất
Luôn tồn tại những vấn đề thắc mắc xung quanh quy hoạch đất

Có được mua bán đất quy hoạch không?

Nếu khu đất chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cơ quan địa phương thì người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng sử dụng đất.

Trong trường hợp đã có thông báo công khai đã có kế hoạch sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người sử dụng sẽ bị hạn chế quyền sử dụng đất. Cụ thể chỉ có quyền chuyển nhượng sử dụng đất trước khi có quyết định thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch.

Xây nhà trên đất quy hoạch treo có bị phạt không?

Theo quy định đất quy hoạch sẽ bị treo nếu trong vòng 3 năm mà không nhận được công bố thực hiện kế hoạch hoặc thay đổi quy hoạch. Lúc này người sử dụng đất có quyền sử dụng đất bình thường. Tuy nhiên sẽ bị giới hạn ở việc xây dựng mới là không cho phép. Còn đối với trường hợp muốn cải tạo, sửa chữa thì cần có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Đất quy hoạch có được cấp sổ đỏ không?

Việc có được cấp sổ đỏ hay không tùy thuộc còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, dưới đây là 2 trường hợp:

  • Được cấp sổ đỏ: trường hợp đất nằm trong diện quy hoạch đã được công bố tuy nhiên chưa nhận được thông báo về kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cơ quan địa phương. 
  • Không được cấp sổ đỏ: trường hợp này thì người sử dụng đất đã nhận được thông báo về kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cơ quan địa phương. 

Trên đây là toàn bộ thông tin về quy hoạch của HomeUp, hy vọng đem đến cho quý bạn đọc  những thông tin hữu ích về quy hoạch.


Tin liên quan

Tin mới